Sunday, February 15, 2009

Bán hàng trên mạng - nghề tay trái hái ra tiền

Là một trong những người bán hàng uy tín và đạt doanh thu cao nhất trên Chợ điện tử, đã hai năm qua, anh Hoàng Phong Lưu gắn bó với shop online chuyên về cổ vật, đồ hiếm để thỏa mãn niềm đam mê tìm hiểu từ thời học sinh.

Say mê với đồ cổ, anh Lưu tham gia phomuaban để học hỏi kinh nghiệm. Rồi sau đó, nhờ nhà sưu tập tem Trần Vương Việt, anh biết đến Chợ và cũng mở một cửa hàng trên đó. Những món hàng sưu tập được từ nhiều chuyến đi đến các vùng quanh mảnh đất Quảng Bình, quê hương anh, bắt đầu được giới sưu tầm quan tâm, yêu thích và đặt mua. "Để kiếm được một sản phẩm, có khi tôi phải đi 'chăn' hàng cả tháng trời", anh Lưu tâm sự. Sự vất vả này khiến anh "chế" vui thơ của Giang Nam thành Đừng tưởng chăn trâu là khổ/Tôi chăn đồ còn khổ hơn trâu. "Lúc bán đi cũng tiếc lắm vì đó là hàng độc, nhưng nghĩ mình sẽ có duyên với những món đồ khác nữa và hơn hết, người mua thực sự yêu thích nó, tôi lại thấy vui và hào hứng với việc kinh doanh trực tuyến", anh tâm sự.

Nhà sưu tập trẻ sinh năm 1978, đồng thời là kỹ sư thiết kế, cho biết với những món đồ thực sự tâm đắc không muốn bán như chiếc đỉnh đồng thời Đại Minh Tuyên Đức Niên Chế hình vuông rất hiếm, anh sẽ trưng bày lên website cá nhân dự định hoạt động vào tháng 6 tới để người quan tâm chiêm ngưỡng dưới nhiều góc nhìn nhờ công nghệ 3D.

Không chỉ lang thang vào nhà dân để tìm mua cổ vật, anh Lưu còn tận dụng sức mạnh của Internet để tìm kiếm hàng quý hiếm, nhất là từ eBay. Một ngày làm việc của anh đan xen các công việc bán hàng, lướt các trang web sản phẩm và thiết kế, vì nghề chính mà anh làm sau khi tốt nghiệp đại học Nghệ thuật Huế cũng trên máy tính và mạng. Đến những ngày nghỉ cuối tuần, anh mới có thời gian đi ra ngoài lùng hàng. "Công việc kinh doanh tự mình làm luôn khấm khá hơn hơn lương chính", anh cho biết. "Nhưng làm bất kỳ điều gì mà có niềm đam mê và tận tụy đều có thể đi đến thành công".

Những người như anh Lưu trên Chợ điện tử bắt đầu nhiều dần lên. Ngoài những cái tên uy tín nổi tiếng trên chợ như Trần Vương Việt, Mr. Giang, Hoàng Phong Lưu, Nguyễn Tuấn Anh..., hiện chợ có gần 3.500 người bán thường xuyên, khiến tổng giá trị giao dịch năm 2008 đạt hơn 150 tỷ đồng (tăng 6 lần so với 2007). Các chủ cửa hàng nằm trong Top 10 đã giao dịch được trên 4 tỷ đồng, trong đó, năm 2008, anh Lưu đạt trên 250 triệu đồng với hơn 200 giao dịch, anh Giang được hơn 200 triệu đồng với trên 4.000 giao dịch

Lợi thế của kinh doanh trực tuyến mà người ta có thể dễ dàng nhận thấy chính là người bán không phải lo chi phí thuê mặt bằng làm cửa hiệu, thuê nhân viên trông coi, vốn đầu tư ban đầu ít. Hiện ở Việt Nam còn có vô số website khác cho phép lập gian hàng riêng hoặc các trang cho đăng tin quảng cáo miễn phí như YouShop, 123mua, vatgia, diễn đàn 5giay, muare...

"Dự báo khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2009 khiến người ta lo ngại nhưng tôi nghĩ đây là cơ hội cho kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam phát triển, nhanh chóng đi lên Thương mại điện tử", ông Nguyễn Hòa Bình, Giám đốc Chợ điện tử, cho biết. "Bất kỳ ai cũng có thể khởi nghiệp kinh doanh với đồng vốn ít ỏi vì những dịch vụ cho lập shop, trưng bày sản phẩm hiện đều miễn phí. Sự thành công nằm ở ý tưởng và cách thức hoạt động của gian hàng".

Nắm bắt được điều này, nhiều bạn trẻ đã bắt đầu kinh doanh trực tuyến từ rất sớm vì ngoài độ tuổi 7x, 8x còn có cả 9x. Hoàng Ngân, nhân viên PR trẻ trung tại một công ty truyền thông ở Hà Nội, sau giờ làm vẫn ôm bọc quần áo đến nhà những người liên hệ với cô qua YM sau khi họ xem các bức ảnh được đăng trong gian hàng online. Ngân mở một cửa hàng nhỏ trên trang YouShop vì tông màu trắng - hồng của giao diện khá thích hợp với đồ thời trang dành cho con gái. Sẵn có kiến thức PR và marketing, thị hiếu về ăn mặc, cô không bỏ qua cơ hội kinh doanh thêm chẳng mất nhiều vốn liếng đối với một sinh viên mới ra trường.

Cô bắt đầu một ngày làm việc từ lúc 7 giờ, đảo qua các trang web mua sắm để so sánh giá bán, kiểu dáng sản phẩm rồi đi làm hành chính. Buổi trưa là lúc cô lang thang tới nhiều shop khác nhau săn hàng giảm giá, hàng độc, kết hợp những món đồ theo phong cách riêng rồi chụp ảnh đưa lên mạng. Dần dần, Ngân lập được một nhóm bạn cùng sở thích, khiến gian hàng trở nên đa dạng với cả quần áo nhập ngoại từ Hong Kong, Quảng Châu, Hàn Quốc... Dù làm kiểu part-time, mỗi người cũng có thu nhập xấp xỉ, thậm chí những tháng trong mùa mua sắm còn cao hơn tiền lương từ công việc chính. Ngân cho biết lương của cô là 3 triệu đồng, còn thu nhập từ kinh doanh online tháng thấp nhất cũng khoảng 2,5 triệu.

Từ số vốn chỉ 2 triệu đồng, chiếc máy tính cũ kỹ và đường truyền Internet chung với nhà hàng xóm, Thành, một sinh viên ngành Luật, cũng đã cùng mẹ vượt qua thời gian khó khăn nhất sau khi bố mất. Mới đầu chỉ lên mạng chơi game, sau này Thành nhận ra phải biết cách dùng Internet để giúp mẹ kiếm tiền. Ngày ngày, cậu lên các diễn đàn, các trang cho rao vặt miễn phí để quảng cáo những món ăn do mẹ nấu và hai mẹ con túc tắc làm dịch vụ cơm hộp để mưu sinh, đủ trang trải cho cuộc sống và việc học hành. "Bây giờ bác cũng biết chat và nghe điện thoại đặt hàng rồi", mẹ Thành cười vui tâm sự. "Mới đầu cũng ít người hỏi, nhưng sau thấy cơm ngon, sạch sẽ nên cứ thấy mình lên mạng là họ gọi".

(Theo VnExpress)

No comments:

Khách Truy Cập Trong Ngày

PCR Designs Group

Thiết Kế Website

Quản Trị Website

Quảng Bá Website

Thương Mại Điện Tử

Câu Chuyện Doanh Nhân

Thông Tin Chứng Khoán