Thursday, August 7, 2008

Bán lẻ hàng hóa trên siêu thị “ảo”

Hiện nay tại Việt Nam đã xuất hiện 3 loại hình sàn giao dịch thương mại điện tử phổ biến gồm: giao dịch giữa các doanh nghiệp (B2B), giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), và giữa người tiêu dùng với người tiêu dùng (C2C).

Đối với loại hình sàn giao dịch B2C, tính đến cuối năm 2006, đã có khoảng 80 doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh loại hình sàn giao dịch này. Bên cạnh đó nhiều cá nhân cũng đã bắt đầu tìm cơ hội bán lẻ qua mạng.

Nguyễn Thị Thu H., nhân viên của một công ty xuất nhập khẩu đã thử kinh doanh với số vốn 10 triệu. Chị mở một địa chỉ cá nhân trên mạng, gửi thư chào hàng khắp nơi, tỷ lệ khách đặt hàng và hồi âm chỉ chiếm khoảng 3%. Tính cả đợt bán hàng quà tặng Noel vừa qua, chị lãi được 3,2 triệu.

Từ kinh nghiệm của mình, Thu H. cho biết, chọn mua, đặt hàng trên mạng giờ không còn xa lạ, thậm chí đã nhộn nhịp kẻ bán người mua như một cái chợ.

Với một chiếc máy tính nối mạng, chỉ cần ngồi ở nhà hoặc tranh thủ giờ nghỉ trưa ở văn phòng, truy cập website mua bán trên mạng, các sản phẩm sẽ được “trưng bày” ngay trên trang chủ để lựa chọn. Lượng hàng hoá trên mạng cũng rất phong phú nhờ sự phối hợp giữa các đơn vị kinh doanh trên mạng với các nhà phân phối.

Ông Nguyễn Đức Huỳnh, giám đốc kinh doanh - tiếp thị của một công ty trực tuyến cho biết việc kinh doanh có chiều hướng tốt trong 3 tháng cuối năm, một phần do sức mua thị trường cuối năm tăng (số lượng hàng bán trên 46% so với thời điểm đầu năm), một phần do người tiêu dùng đã quen và trang web cũng liên tục cập nhật hàng “mới - lạ”.

Hiện nay, sản phẩm phổ biến, được các website khai thác và khách cũng mua nhiều là mỹ phẩm, hoa, quần áo, đồ dùng thể thao… dành cho bạn trẻ. Khách hàng thường khai thác dịch vụ giao hàng của các website để chọn quà tặng cho bạn bè, gia đình, người yêu...

Khai thác kinh doanh còn nhiều vấn đề

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bán hàng qua mạng vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Không tốn phí mặt bằng, bán lẻ trên mạng phải thiết kế được phương án nhận hàng tại nơi lưu trữ hàng hoá của nhà cung cấp sao cho nhanh chóng để giao hàng kịp thời; bất cứ mặt hàng nào bán ra cũng buộc phải phát hành hoá đơn giá trị gia tăng nên giá thành buộc phải cao hơn 10% so với cửa hàng, đại lý bán lẻ...

Giá hàng tại siêu thị “ảo” còn tăng thêm bởi chi phí giao hàng được tính riêng, khoảng 10 đến 20 ngàn đồng trong nội thành; ngoại tỉnh tính theo cước bưu điện, chiếm tỷ lệ không nhỏ trong giá thành mua hàng qua mạng.

Bà Nguyễn Thị Thuỳ Vũ, giám đốc một công ty thương mại dịch vụ online cho biết: “Khi gia nhập vào mạng cung cấp hoa tươi và quà tặng của Interflora để mở thị trường đến 150 nước trên thế giới, tôi thấy trở ngại lớn nhất trong giao dịch thanh toán của ngành thương mại điện tử là rất nhiều nước không nhận thanh toán qua mạng với Việt Nam, và chúng tôi phải tìm cách mở tài khoản ngoại tệ để khách hàng chuyển tiền vào, hoặc thuyết phục khách hàng chuyển tiền qua bưu điện”.

Trên các siêu thị “ảo” đa phần khai thác những đơn đặt hàng có trị giá thấp nhất 50.000đồng trở lên, phổ biến trên 100.000 đồng và chưa phát triển các mặt hàng thông dụng có giá thấp, các chính sách liên quan đến việc mua hàng, trả lại hàng, thanh toán, vận chuyển... mỗi nơi mỗi khác, chưa thống nhất với nhau.

* Trong một cuộc điều tra về tình hình thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay của Bộ Thương mại trong năm 2006 với 1.000 doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp có website chiếm từ 20 - 25%, nhưng tính năng thương mại điện tử trong các website này còn mờ nhạt. Chức năng website chủ yếu là giới thiệu về công ty, chiếm 93,8%; giới thiệu sản phẩm, dịch vụ chiếm 62,5%, trong khi tính năng giao dịch thương mại điện tử cho phép đặt hàng chỉ chiếm 27,4%; hoạt động thanh toán trực tuyến chỉ có 3,2%.

(Theo SGTT)

No comments:

Khách Truy Cập Trong Ngày

PCR Designs Group

Thiết Kế Website

Quản Trị Website

Quảng Bá Website

Thương Mại Điện Tử

Câu Chuyện Doanh Nhân

Thông Tin Chứng Khoán